TINH HOA XANH

Bách bộ nhuận phế chỉ khái

Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour, họ Bách bộ (STEMONACEAE).

Tên khác: Bách điều căn, Bách nải, Dả thiên môn đông, Cửu tùng căn, Dây ba mươi, Dây đẹt ác.

Mô tả cây thuốc: Bách bộ là cây mọc leo sống nhiều năm dài 5-8m, lá mọc đối hình tim, hoa mọc ở kẽ lá màu vàng, đỏ, 4 nhị, quả nang có 3-4 hạt. Rễ củ có 10 – 100 củ màu vàng ngà, vị ngọt sau đắng.

Phân bố thu hái chế biến: Bách bộ mọc hoang từ rừng núi nhiều nơi trong nước, dùng củ làm thuốc, đào về rửa sạch phơi khô hoặc dùng mật ong chế (100kg Bách bộ, 12kg mật ong)

Tính vị công dụng chủ trị: Bách bộ vị đắng tính hơi ấm, không độc, vào kinh Phế, Tỳ, Vị. Tác dụng ôn nhuận phế, cầm ho, sát trùng, trị ho do phong hàn, ho gà, lao phổi, ho mạn tính, giun kim, sán dây, giun đũa, da ngứa, eczema, ...

Chứng ho do nhiệt, âm hư hỏa vượng cấm dùng.

Liều dùng: 5 – 15g dạng thuốc sắc, thuốc hoàn, thuốc viên, rượu thuốc…

Nghiên cứu lâm sàng, bài thuốc:

- Trị viêm phế quản mạn tính: Bách bộ 20g sắc 2 lần cô lại khoảng 60ml, mỗi lần uống 20ml, ngày 3 lần, có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống. Đã điều trị 110 ca, hiệu suất trị liệu đạt 87,27% (Tạp chí Trung y Thiểm Tây, 7 – 1986)

- Trị ho gà: Bách bộ sấy khô tán bột dùng mật ong làm viên mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 0,5 – 3g tùy theo lứa tuổi. Hoặc dùng Bách bộ 500g, Bạch tiền 500g thêm 4 lít nước sắc, lọc bỏ bã, thêm 1 lít mật ong, sắc còn lại 2 lít. Trẻ em mỗi ngày uống 3 lần, dưới 1 tuổi mỗi lần 3 – 9 ml, 2 – 4 tuổi mỗi lần 18 – 20ml, 5-8 tuổi mỗi lần 30 – 45ml. Đã điều trị 125 ca, tỷ lệ lành bệnh đạt trên 90% (Tạp chí Trung y, 12 – 1958)

- Trị lao phổi: Bách bộ 500g sấy khô tán bột, gà mái tơ 500g, gà bỏ ruột, đầu, chân, cắt nhỏ sắc nước khoảng 380g, trộn với bột Bách bộ làm viên đều mỗi lần uống 10g, ngày 2-3 lần 1 liệu trình 20 ngày. Đã điều trị 153 ca hiệu suất trị liệu đạt 91% (Tạp chí Trung y, 3 – 1959)

- Trị giun kim: Bách bộ 30g thêm nước sắc còn lại 30ml, người lớn tăng liều, khoảng 11 giờ đêm thụt vào ruột, 1 liệu trình 12 ngày. Đã điều trị 177 ca, tỷ lệ lành bệnh đạt 76% hoặc Bách bộ 90g, nước 200ml, sắc còn 100ml, thêm giấm 75ml, giữ ấm thụt vào ruột, trẻ em dưới 6 tuổi mỗi lần 25ml, 6-13 tuổi 50ml, trên 14 tuổi 100ml. Đã điều trị 10 ca đều hiệu quả (Tạp chí Y học nông thôn Trung Quốc, 2 – 1986)

- Trị nấm da: Bách bộ 20g, cồn 500 100ml ngâm 48 giờ, lọc bỏ bã, thêm cồn cho đủ 100ml, bôi xát tại chỗ ngày 2 – 3 lần (Độc dược bản thảo)

- Trị trẻ em ho, nóng sốt: Bách bộ 30g, Tử uyển 30g, Bối mẫu 30g, Cát căn 30g, Thạch cao 60g. Các vị tán bột, mỗi lần dùng 10g, 1 chén nước, lá Tre 14 lá chưng cho mẹ uống, con bú. (Thái Bình thánh huệ phương)

- Trị ho mạn tính, teo phổi tân dịch hao tổn, suyễn, sau trưa nóng sốt...: Bách bộ 10g, Bách hợp 10g, Ý dĩ 12g, Mạch môn 10g, Tang bì 5g, Bạch linh 6g, Sa sâm 6g, Hoàng kỳ 6g, Địa cốt bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang (Bản thảo hối ngôn)

- Trị ho gà: Bách bộ 10g, Bối mẫu 10g, sắc 2 lần, cô còn lại 200ml. Trẻ dưới 2 tuổi mỗi lần uống 6g, 3-5 tuổi mỗi lần uống 15g, trên 5 tuổi mỗi lần uống 20g, đều uống ngày 3 lần. (Trung Quốc Trung y bí phương đại toàn)

- Trị lao phổi: Bách bộ 10g, Mẫu lệ nướng 20g, Bạch cập 30g, tán bột mỗi lần uống 5g, ngày 3 lần (Trung Quốc Trung y bí phương đại toàn)

- Trị ho mạn tính: Bách bộ giả lấy nước cô thành cao mỗi lần uống 2-5g ngày 3 lần (Thiên Kim phương)

- Trị ho do hàn tà xâm nhập phổi: Cát cánh 5g, Chích Cam thảo 2g, Bạch tiền 5g, Bách bộ 8g, Trần bì 3g, Tử uyển 4g. Sắc uống ngày 1 thang (Y học tâm ngộ - Chi khái tán).

(Dược sĩ Phan Văn Chiêu)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""