TINH HOA XANH

Hiểu thêm về Lương y Hoàng Đôn Hòa

Hiểu thêm về lương y dược Hoàng Đôn Hòa

Hoàng Đôn Hoà người làng Huyền Khê, xã Thanh Oai Trung, Tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên (xưa), nay là làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông (Hà Tây) có trí thông minh, học giỏi thi đậu Giám sinh. Rồi ông dạy học văn hoá cho học sinh làng, xã và ông làm cả nghề lương y chữa bệnh cho nhân dân rất giỏi được nổi danh. Đương thời bấy giờ nhân dân ví thầy thuốc Hoàng Đôn Hoà như Biển Thước, Hoa Đà.

 

 

Năm Nguyên Hoà thứ nhất đời vua Lê Trang Tông có công chúa tên là Phương Anh lâm bệnh trọng nan y. Có nhiều lương y đã chữa nhưng không khỏi. Khi được nhà vua mời vào cung cứu chữa, qua bắt mạch, lương y Hoàng Đôn Hoà đã cứu chữa cho công chúa Phương Anh khỏi bệnh. Phấn khởi khi con gái mình được thoát khỏi “tử thần”, vua Lê Trang Tông mến đức độ, tài cao đã gả công chúa Phương Anh cho lương y Hoàng Đôn Hoà. Sau đó, công chúa Phương Anh đổi tên là “Phương Dung”. Phương Dung cùng Hoàng Đôn Hoà sống rất hạnh phúc bên nhau. Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ, nâng khăn sửa túi, hàng ngày công chúa cùng với chồng chữa bệnh cho nhân dân với tấm lòng từ thiện nơi thôn dã. Vợ chồng ông hàng ngày đi tìm kiếm các loại thảo mộc là vị thuốc mang về chế ra nhiều môn thuốc. Ông chú trọng chế sẵn môn thuốc cao đơn hoàn tán để khi có bệnh dịch thì sẵn đem ra dùng chữa bệnh.

Năm Gia Thái thứ hai, đời vua Lê Thế Tông (Nghị Hoàng đế 1574) có quân Nhà Mạc nổi loạn ở Thái Nguyên, triều đình đem đại binh đi đánh. Lương y Hoàng Đôn Hoà được trưng dụng vào quân đội làm quân y (điều hộ lục quân). Nơi rừng núi hoang dã thường có sơn lam chướng khí sinh ra nhiều loại bệnh thông thường đến với binh lính. Do vậy, quân y Hoàng Đôn Hoà đã phải tìm mọi phương thức chữa bệnh. Ngoài số thuốc cao đơn hoàn tán chế sẵn mang đi theo, thầy thuốc Hoàng Đôn Hoà còn tổ chức binh lính cùng ông đi tìm kiếm các thảo mộc là vị thuốc mọc nơi hoang dã đem về để Hoàng Đôn Hoà bào chế ra thuốc điều trị các loại bệnh cho binh lính. Lương y Hoàng Đôn Hoà đã sáng chế ra nhiều bài thuốc chữa bệnh như: Tam hoàng hoàn chữa bệnh thổ tả, Sốt rét lam chướng, Thần ứng hoàn chữa các bệnh trúng phong, Thật thành hoàn chữa phù thũng, Hắc bạch đinh chữa vết thương, chữa bỏng, sát trùng... Nhờ sáng chế ra các môn thuốc đặc trị, lương y Hoàng Đôn Hoà đã cứu chữa cho bệnh binh, thương binh được khỏi bệnh, khoẻ mạnh, đảm bảo quân số đầy đủ chiến đấu thắng lợi hoàn toàn. Nhà Lê đánh tan quân nhà Mạc giữ bình yên bờ cõi non sông. Khải hoàn, lương y dược Hoàng Đôn Hoà được vua Lê Thế Tông phong chức: “Thị Nội Thái Y Viện Thư Phiên” và phong tước “Lương Dược Hàn”.

Phục vụ nhà Lê được một thời gian, cụ Hoàng Đôn Hoà xin vua cho phép vợ chồng cụ được về quê sinh sống, tiếp tục dạy học, làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Vợ chồng cụ đặc biệt quan tâm chữa bệnh từ thiện đối với người dân có hoàn cảnh nghèo, cô đơn. Sau một thời gian, cụ Hoàng Đôn Hoà, huý là “Linh Thông” đã qua đời vào ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thìn (1593), hưởng thọ 79 tuổi. Ngài để lại cho đời quyển “Hoạt Nhân Toát Yếu” gồm 201 phương thuốc chữa trị cho trên 100 loại bệnh thuộc nội, ngoại, sản, thương, thú y... Cuốn sách còn đúc kết được hơn 300 vị thuốc trong đó có 265 vị thuốc Nam. Đây là thể hiện tấm lòng đức độ, tài năng của lương y dược Hoàng Đôn Hoà - Linh Thông với một kho báu nhiều môn thuốc quý để lại cho nền y dược học cổ truyền nước ta.

Có sự cống hiến lớn lao ấy, triều đình nhà Lê đã sắc phong  “Phúc Thần Lương Y Dược Đại Vương” cho lương y Hoàng Đôn Hoà vào năm 1623 và liên tục 23 năm đời vua các triều đại sau này từ niên hiệu Vĩnh Tộ (Lê Thần Tông - 1619 - 1643). Sắc phong của vua Đức Long (1629-1634) (Lê Thần Tông). Vua Khải Định (1916-1926) sắc phong cho cụ chữ: “Lương Dược Linh Thông Cư Sỹ”- từ đó lấy làm tên huý của cụ Hoàng Đôn Hoà. Công chúa Phương Dung, vợ cụ cũng được vua sắc phong chữ: “Từ Thục Trinh ý Kỷ Nương”. Tổng số sắc phong cho vợ chồng cụ gồm 42 đạo sắc của các triều vua. Khi Hoàng hậu, vợ vua Càn Long (Trung Quốc) ốm nặng, sứ giả đã được cử sang Việt Nam để mời danh y chữa bệnh. Lương y Trịnh Đôn Phác đã sang khám bệnh rồi chữa trị trong 100 ngày thì vợ vua Càn Long khỏi bệnh, khoẻ mạnh. Đáp lại công lao ấy, để tạ ơn, vua Càn Long ban tặng 3 chữ “Lịch Thế Y” (Thày thuốc lớn) và kèm theo vật phẩm gồm: chiếc mũ cánh chuồn có 9 con rồng chầu; chiếc áo Long Cổn; đôi hia dát đồng có 9 con rồng chầu; bộ choé sứ to để đựng nước; đôi cây nến đồng và bộ ấm chén cổ (tặng năm 1741). Nhưng danh lương y Trịnh Đôn Phác đã tâu với vua Càn Long:

- Tâu bệ hạ, hạ thần đã chữa cho Hoàng hậu khỏi bệnh, công lao to lớn này là thuộc về danh nhân Lương Dược Linh Thông Cư Sỹ - Hoàng Đôn Hoà, bởi hạ thần đã áp dụng bài thuốc của lương y Hoàng Đôn Hoà, tuy không là học trò, nhưng đó là bậc thày dạy cho hạ thần chữa khỏi bệnh. Do vậy, xin bệ hạ tặng 3 chữ và vật phẩm này cho sư tổ của hạ thần.

Nghe lời tâu của Trịnh Đôn Phác thể hiện sự tôn sư trọng đạo, vua Càn Long lấy làm cảm kích bèn phán các quan trong triều mang các thứ nói trên sang Việt Nam tặng cho Lương Dược Linh Thông Cư Sỹ - Hoàng Đôn Hoà. Các sắc phong và tặng phẩm của vua Càn Long (Trung Quốc) và các triều vua nước ta hiện nay còn đặt trong miếu thờ danh nhân Lương Dược Linh Thông Cư Sỹ - Hoàng Đôn Hoà, Thành Hoàng làng.

Nhân dân vô cùng thương tiếc Lương y dược Hoàng Đôn Hoà - Linh Thông “Người lương y như từ mẫu” đức độ, tài giỏi đã tận trung với nước, tận nghĩa với dân. Để tỏ lòng nhớ công ơn, nhân dân làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông (Hà Tây) đã xây dựng miếu thờ.  Ngôi miếu toạ lạc trên khu đất cao ráo đẹp đẽ, rộng 2.160m2, thoáng đãng ven bờ Nhuệ Giang. Miếu thờ Hoàng Đôn Hoà đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Theo chủ trương của Viện nghiên cứu Đông y, quyển “Hoạt Nhân Toát Yếu” được ông Lê Trần Đức biên dịch từ chữ Hán - Nôm ra tiếng Việt và Nhà xuất bản Hà Nội in ấn từ năm 1980 để phục vụ việc nghiên cứu, thừa kế y dược học cổ truyền dân tộc chữa bệnh, phép dưỡng sinh và thú y. Viện bỏng Quân y 103 (Hà Đông - Hà Tây) đã dùng bài thuốc chữa bỏng cho chiến sĩ.

Hàng năm, không những nhân dân địa phương, mà rất đông khách các nơi đã đến thắp nhang tưởng niệm Lương y dược Hoàng Đôn Hoà tại miếu làng Đa Sỹ.

Caythuocquy.info.vn

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""