TINH HOA XANH

Khoai tây-Thực phẩm hay thuốc?

Khoai tây được mọi người biết đến như một thực phẩm trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngoài chức năng là thực phẩm, Khoai tây còn được dùng làm thuốc trong y học để chữa bệnh.
Cây Khoai tây tên khoa học là Solanum tuberosum L, họ Cà (Solanaceae). Cây có nguồn gốc từ vùng núi Andes Nam Mỹ sau đó di thực sang Anh, các nước Châu Âu, Châu Á.
Khoai tây là cây lương thực quan trọng được cả thế giới ưa chuộng nhất là ở CHLB Đức. Cây được trồng nhiều ở các nước ôn đới, vùng núi nhiệt đới và một số vùng nhiệt đới có mùa đông lạnh như  Việt Nam. Khoai tây là cây rất khoẻ, có tính chống chịu cao, chịu cả nhiệt độ thấp và nhiệt độ tương đối cao, nhiệt độ thích hợp nhất là từ 15 - 25 độ C. Khoai tây trồng bằng củ, trồng hàng năm. Thời gian sinh trưởng của Khoai tây khoảng 90 -110 ngày, tuỳ theo giống. Trong củ Khoai tây có khoảng 78% nước, 1% muối vô cơ, 15 - 20% gluxit, chủ yếu tinh bột, 1-2% prôtít, các men amylaza, sucraza, oxydaza... và các vitamin B1, B2, C. Trong củ Khoai tây vỏ xanh có khoảng 0,02% chất solanin - một chất độc có thể gây ngộ độc cho người. Củ Khoai tây mới dỡ có rất ít solanin (tập trung ở vỏ và mắt củ), nhưng củ đã mọc mầm chứa tới 0,02%, mầm tươi chứa tới 0,04% đến 0,13%. Khi dùng Khoai tây làm thực phẩm cần đề phòng ngộ độc solanin và nitrat. 
*Ngộ độc solanin: Củ Khoai tây có vỏ xanh (do củ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời) hoặc củ nẩy mầm có hàm lượng salanin rất cao, gây ngộ độc cho người ăn: đau bụng, nôn mửa, đái ra máu, suy giảm hô hấp, thần kinh. Vì vậy, không nên dùng củ Khoai tây vỏ xanh, Khoai tây mọc mầm làm thức ăn cho người và động vật.
*Ngộ độc nitrat: Trong sản xuất, nếu bón nhiều phân đạm quá, củ Khoai tây sẽ có hàm lượng nitrat cao vượt ngưỡng cho phép (100 -200mg/kg theo tiêu chuẩn của Đức) sẽ gây ngộ độc cho người ăn. Bản thân nitrat ít gây độc nhưng trong một số trường hợp nitrat sẽ biến thành nitrit và với các amin và amid có trong bộ máy tiêu hoá sẽ tạo thành chất độc gây ung thư đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, khi dùng Khoai tây làm thực phẩm phải giảm bớt lượng nitrat trong củ khoai nhất là khoai được bón nhiều phân đạm. Theo phân tích của các nhà khoa học Pháp, hàm lượng nitrat trong củ Khoai tây phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở vỏ củ, lượng nitrat trong thịt củ chỉ bằng khoảng 1/3 ở vỏ củ. Vì vậy, trong chế biến món ăn nên gọt bỏ vỏ củ Khoai tây. Sau khi gọt vỏ, cắt thành từng miếng, ngâm nước và rửa rồi mới nấu hoặc luộc với nước thì hàm lượng nitrat trong khoai giảm đến 50% so với củ khoai đã gọt vỏ, hay giảm tới 2/3 so với củ Khoai tây còn nguyên vẹn. Nhưng nếu hấp hoặc đồ thì lượng nitrat còn lại nhiều hơn so với khoai luộc hoặc nấu với nước. Khoai rán hoặc làm bim bim thì hàm lượng nitrat cao vì khoai bị mất nước nhiều. 
Ngoài tác dụng làm thực phẩm, Khoai tây còn được y học dùng làm thuốc. Củ và mầm Khoai tây dùng chế solanin làm thuốc giảm đau. Các nhà khoa học trường Đại học Duglas Mỹ dùng Khoai tây chữa béo phì rất có hiệu quả. Những người thực nghiệm ăn Khoai tây theo chế độ giảm béo trong 8 tuần giảm được gần 7kg. Các nhà khoa học Mỹ còn chứng minh rằng ăn Khoai tây sẽ làm giảm cholesterol máu, làm giảm các bệnh tim. Các nhà khoa học Mỹ phát hiện thấy trong củ Khoai tây còn có chất kukoamin có tác dụng  làm giảm huyết áp, dùng điều trị bệnh mất ngủ. Nhân dân ở một số vùng dùng vỏ Khoai tây sắc uống chữa đau bụng và dùng vỏ củ Khoai tây luộc bóc ra đắp vết bỏng rồi băng lại, vết bỏng sẽ chóng lành.
Theo Y học cổ truyền, Khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoà vị, lợi tỳ, kiện khí, chữa được chứng ngại ăn, tiêu hoá kém, đại tiện khó; chữa được nhiều bệnh như viêm loét hành tá tràng, táo bón kinh niên, eczema, đau đầu, nôn mửa do rối loạn thần kinh vị giác, kém ăn, quai bị... 
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng khoai tây
*Chữa viêm loét hành tá tràng
Bài 1: Củ Khoai tây tươi chưa lên mầm rửa sạch, để cả vỏ, thái nhỏ, dùng máy xay hoa quả hoặc cho vào cối giã nát, vắt nước cốt, thêm chút Mật ong, uống mỗi lần 1 - 3 thìa, ngày uống 2 - 3 lần. 
Bài 2: Củ Khoai tây tươi cả vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước uống, mỗi ngày uống 200 - 300 ml, ngày hai lần vào sáng, tối. 30 ngày liên tục là một liệu trình.
Bài 3: Củ Khoai tây tươi chưa lên mầm (để cả vỏ) rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước cốt, đun sôi rồi giảm bớt lửa cho đến nước sánh lại thì cho Mật ong vào theo tỷ lệ 1 mật, 2 nước cốt, đun cho  đến khi thành cao, lấy ra cho vào lọ dùng dần. 
Trong thời gian dùng thuốc phải kiêng ăn ớt, Hành, giấm, uống rượu và các chất kích thích khác. Hết đau vẫn còn uống tiếp một thời gian nữa cho bệnh khỏi hẳn.
Chữa táo bón kinh niên: Củ Khoai tây rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày 3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 1 chén nhỏ. 
Chữa quai bị: Củ Khoai tây rửa sạch, để ráo nước, mài với giấm, lấy nước bôi vào chỗ sưng.
Chữa êczema và ung nhọt: Củ Khoai tây 100g, Gừng tươi 10g, Quýt 1 quả, tất cả giã nát, trộn đều, vắt lấy nước, uống 10ml trước bữa ăn. 
Da bàn tay khô sần, không mịn màng: Củ Khoai tây một củ, gọt vỏ, giã nhuyễn, thêm sữa Bò, Mật ong, hoà đều, thoa vào bàn tay ngày vài lần. 
Mụn nhọt sưng tấy, lở loét, hắc lào, bỏng: Củ Khoai tây gọt vỏ, nghiền nát, đắp vào chỗ đau. Hoặc Khoai tây thái lát mỏng áp vào chỗ đau.
Phù thủng tiểu ít: Củ Khoai tây gọt vỏ, giã nát 32g, rễ Tranh 24g, hai vị sắc với 2 bát nước một bát, uống trong ngày, dùng vài lần. 

Trịnh Thường Mại (CTQ số 60)

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""