TINH HOA XANH

Rau muống ăn ngon-vị thuốc

Rau muống “ dễ tính” ưa trồng đất vườn nương rộng, thả ao, hồ, ngòi… có loại rau muống dây đỏ nhờ nhờ (gọi là rau tía), có loại dây xanh nhạt, sống quanh năm. Có chuyện lạ là ông Vang hội viên Hội CCB xã Tây Tiến, Tiền Hải, Thái Bình đã sáng tạo cho ngọn rau muống (loại dây xanh nhạt) vào chiếc vỏ ốc bươu to. Nó vẫn sống và cứ thế bò xoắn theo vỏ ốc. Khi thu hái, tay cầm ngọn rau rút nhẹ nhàng ngọn rau ra, ngọn còn nguyên cuộn. Khi luộc chín, để trên đĩa sứ men trắng, ta nhìn như bông hoa to vui mắt.

Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, rau muống già, ít ngọn non. Bởi thế có câu ca “Rau muống tháng chín già, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”.

Rau muống được chế biến làm ra nhiều món ăn ngon miệng. Nhiều người ăn rau muống nhưng mấy ai biết tác dụng của rau.

Theo sách “Bản Thảo Cương Mục” rau muống có vị ngọt, tính đạm, giải độc, chủ trị các biến chứng sinh nở. Theo  “Nam dược thần hiệu”, rau muống không độc, tính hàn, tiêu thuỷ thũng.

Rau muống có những công dụng sau:

- Chữa nước tiểu đục: rau muống tươi một nắm, vò nát, vắt lấy nước, hoà thêm một ít nước mía uống khi đói.

- Chữa phù thũng: rau muống tươi một bó, gà một con (lông vàng, chân vàng), mổ moi ruột, đặt mớ rau muống sạch sẽ vào bụng gà khâu khín lại rồi cho vào nồi, đổ sâm sấp nước và một chén rượu vào, hầm nhừ. Ăn ba con gà tần với rau muống (cách làm như trên) sẽ thấy công hiệu.

- Chữa say sắn: một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, uống liền sẽ hết say.

- Chữa sưng quai bị: rau muống tươi luộc chín, ăn cả cái lẫn nước.

Mạnh Khang (CTQ số 106)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""