TINH HOA XANH

Thuốc từ Độc hoạt và Khương hoạt

Trong y học cổ truyền, Độc hoạt và Khương hoạt là hai vị thuốc được sử dụng rất nhiều để chữa các bệnh về phong hàn thấp tý. Chúng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Bộ phận dùng làm thuốc đều là rễ. Độc hoạt còn có tên Hương độc hoạt hay Mao đương quy (Angelica pubescens Ait); Khương hoạt còn gọi là Xuyên khương, Trúc tiết khương (Notopterygium incium Ting ex Chang), cùng ở họ Hoa tán (APACEAE).

Cả hai đều là những cây thảo, sống lâu năm, Độc hoạt cao từ 1-2m, còn Khương hoạt chỉ khoảng 0,5-1 m. Cả hai cây đều có thân nhẵn, có rãnh dọc, màu tím, lá kép lông chim. Lá Độc hoạt dài hơn, từ 15-40cm, những lá ở phía gốc có tới 2-3 lần kép lông chim. Cụm hoa Độc hoạt mọc cả ở kẽ lá và đầu cành, còn Khương hoạt chỉ mọc ở ngọn thân. Hoa đều là hoa tán, màu trắng, quả bế.

Khác biệt nhiều nhất là rễ. Rễ Khương hoạt hình trụ, hơi cong queo, dài 4-13cm, đường kính 0,6-2,5cm. Khi khô, phần vỏ có màu nâu, trắng ngà ở phần gỗ. Thể chất xốp, nhẹ, có nhiều khoang rỗng, mùi thơm hắc, vị đắng. Còn rễ Độc hoạt, phần trên phía giáp gốc lại to và thon nhỏ ở phía dưới, dài từ 10-30cm; phần dưới rễ chia thành 2-3 nhánh nhỏ. Thể chất chắc, nhẵn, mặt bẻ gãy có vỏ màu xám, bên trong màu xám đến nâu, mùi thơm rất đặc trưng.

Về thành phần hóa học, cả hai đều chứa chủ yếu là coumarin. Độc hoạt chứa các hợp chất osthol, bergapten, angelol, psoralen, byakangelicin… Khương hoạt cũng chứa các hợp chất coumarin: notoptenol, notoptol, bergapten, bergaptol..., ngoài ra còn chứa tinh dầu, trong đó có α-pinen, β-pinen, p. cymen, α-humulen...

Về sinh học, cả hai vị thuốc đều có tác dụng giảm đau và chống viêm. Khương hoạt còn có tác dụng hạ sốt và chống choáng.

Cả hai vị thuốc đều dùng điều trị các bệnh về phong hàn, thấp, tý; đau nhức lưng, xương, chân tay tê cứng, co quắp. Tuy nhiên, nếu bị phong thấp phần hạ tiêu (từ lưng trở xuống chân) thường dùng Độc hoạt. Nếu bị phong thấp ở thượng tiêu (từ lưng trở lên phần đầu) thường dùng Khương hoạt. Có thể dùng hai vị riêng biệt nhưng cũng có thể phối hợp với nhau để trị các bệnh về xương khớp cấp hoặc mạn tính. Cả hai vị đều có tác dụng phát tán phong hàn nên được dùng trong điều trị chứng cảm hàn. Tuy nhiên, khương hoạt tác dụng mạnh hơn.

Một số phương thuốc thường dùng có Độc hoạt và Khương hoạt

Độc hoạt

Trị đau khớp, đau lưng, đau mình mẩy: Độc hoạt, Đậu đen mỗi vị 10g; Đương quy, Phòng phong, Thổ phục linh, Bạch thược, Hoàng kỳ, Cát căn mỗi vị 6g; Nhân sâm 4g; Can khương, Phụ tử (chế), Cam thảo mỗi vị 2g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1 giờ.

Trị đau lạnh các khớp, nhất là tay, chân; cảm giác nặng nề, co duỗi khó khăn, đau thường cố định, ít di chuyển. Đêm đau nặng hơn ngày, trời lạnh đau tăng, ê ẩm: Độc hoạt, Phòng phong, Tần cửu, Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Đỗ trọng, Ngưu tất mỗi vị 9g; Đảng sâm, Bạch phục linh mỗi vị 12g; Tang ký sinh 18g; Sinh địa 15g; Cam thảo 6g; Tế tân 3g; Quế chi 1,5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1 giờ, uống ấm.

Trị trúng phong cấm khẩu: Độc hoạt 20g; Xuyên khung, Thạch xương bồ mỗi vị 10g. Sắc uống, trước bữa ăn.

Trị cảm phong hàn, sốt cao, đầu đau: Độc hoạt 8g; Ma hoàng, Xuyên khung, Cam thảo mỗi vị 4g; Gừng tươi 3 lát. Sắc uống, trước bữa ăn.

Khương hoạt

Trị đau vai, đau cứng cổ, cứng gáy: Khương hoạt, Độc hoạt mỗi vị 9g; Cảo bản, Xuyên khung, Phòng phong, Cam thảo mỗi vị 6g; Mạn kinh tử 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng trước bữa ăn.

Trị bán thân bất toại, đi lại khó khăn, tay cầm không vững: Khương hoạt, Đương quy, Hương phụ (chế giấm) mỗi vị 12g; Độc hoạt, Ngũ gia bì, Uy linh tiên, Chỉ xác, Nhũ hương, Ô dược, Phòng phong mỗi vị 9g; vẩy Tê tê (tôi giấm) 6g; Cam thảo 6g. Nhũ hương để riêng. Các vị khác sắc nước, sau đó hòa tan Nhũ hương vào nước sắc còn nóng, rồi uống.

Trị đau nhức xương khớp, thần kinh ngoại biên từ thắt lưng trở lên đầu: Khương hoạt, Phòng phong, Thương truật mỗi vị 12g; Xuyên khung, Bạch chỉ, Sinh địa, Hoàng cầm, Cam thảo mỗi vị 8g; Tế tân 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1 giờ.

Lưu ý: Do Độc hoạt, Khương hoạt cũng như một số vị thuốc như Phòng phong, Đương quy, Xuyên khung, Thiên niên kiện, Tế tân, Quế chi... chứa tinh dầu nên khi sắc thuốc cần bỏ vào sau để giữ được khí vị của thuốc nhiều hơn, giúp tăng hiệu quả điều trị.

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""