TINH HOA XANH

Trứng lộn - Rau răm

Sự kết hợp độc đáo trong y học 

Từ nhỏ đến giờ tôi mới được ra thăm Hà Nội. Mấy anh bạn ở Đài phát thanh truyền hình Hà Nội rủ tôi đi lai rai để thưởng thức những gì độc đáo, đặc sắc mà Tây Bắc khó có được. Trên đường đi, tôi và mấy anh bạn xôn xao “Đi nhà hàng hay là vào chỗ nào mà có vẻ bí hiểm vậy?”. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến một quán nhỏ, đó là một căn nhà lá, ai cũng ngạc nhiên thốt lên:
- Một trái nhà tranh, hai trái tim vàng à?
Ai nấy đều tưởng tượng chủ nhà là một cặp vợ chồng trẻ yêu thương nhau lắm. Căn nhà gỗ với mái lá dầy cả tấc, từ vườn vào nhà đều trang trí đơn sơ nhưng thể hiện một nét rất đặc biệt. Ngoài cổng treo một tấm biển độc đáo "Trứng gà lộn luộc rượu, một trứng gà lộn bằng mười thang thuốc bổ". Quả là khác đời! Chúng tôi kéo nhau vào trong, tự bày bàn ghế. Anh bạn tôi gọi món:
- Cụ làm ơn cho 5 đĩa trứng lộn. Cụ nhớ lấy trứng mới cho chúng cháu cụ nhé.Một bà cụ già từ trong đi ra, dáng dấp khoan thai như bà tiên, giọng nói chững chạc:
- Các chú yên tâm, chỉ luộc khi có khách mua nên không có trứng cũ.
Anh bạn tôi đứng lên giới thiệu:
- Bác đây là người hàng xóm cũ với gia đình mình, hai vợ chồng bác đều là thầy lang. Còn đây là các bạn của cháu. Cô gái này là người Tây Bắc mới về thăm thủ đô lần đầu đấy bác ạ!Bà cụ nhìn chúng tôi cười hiền hậu và đi vào. Trong lúc ngồi đợi luộc trứng chúng tôi phóng tầm mắt ra khu vườn trước mặt. ở đầu hồi nhà, các chậu cây cảnh được sắp đặt rất đẹp mắt. Một ông cụ với mái tóc bạc phơ đang tỉa các cây cảnh. Anh bạn tôi bảo, các cụ xưa kia là thầy lang, nay đã bỏ nghề chữa bệnh. Hai cụ nuôi một đàn gà đẻ ấp trứng và bán trứng lộn sống qua ngày. Bán trứng lộn nhưng không cho khách nhậu nhẹt nên quán ít khách lắm, chủ yếu là người quen.
Để tăng thêm hiểu biết cho mình về món ăn độc nhất vô nhị này, tôi bèn tới gần cụ và hỏi:
- Xin cụ cho chúng cháu biết trứng gà lộn bổ dưỡng ra sao mà cụ treo bảng "Một trứng gà lộn bằng mười thang thuốc bổ".
Cụ nhẹ nhàng giải thích: Phôi gà đang trong thời kỳ phát triển nên nguyên khí sung mãn, thận khí vượng. Nó có nhiều chất bổ dưỡng, nhiều ATP và enzym làm mạnh khí huyết, kích động quá trình làm lành vết thương và chống lão hoá.
Cụ ơi, thế điều cụ nói là theo sách vở hay do theo kinh nghiệm bản thân ạ?
- Đông y cũng như Tây y đều dùng phôi gà làm thuốc bổ. Sách Nam thần dược của nhà sư Tuệ tĩnh viết "Trứng gà ấp dở dang (hay còn gọi là trứng lộn) luộc trong rượu đang sôi dùng làm thuốc bổ tốt. Tây y bào chế trứng gà lộn để làm thuốc bổ bằng cách: Trứng gà lộn luộc chín, nghiền, sao khô, dùng Mật ong viên thành viên. Sách vở đã vậy, còn bản thân tôi đã chữa trị cho nhiều người bằng trứng lộn.
- Thưa cụ, ăn tất cả phôi, lòng đỏ, cùi trắng và cả lông chứ ạ? Anh bạn tôi hỏi.
- Chỉ ăn phôi gà non có lông tơ mới tốt, bỏ cùi trắng. Cụ tiếp
- Trứng lộn làm lành mạnh thận khí, người già, phụ nữ sinh đẻ dùng đã đành, còn thanh niên ăn vào bổ quá xuất tinh thì sao ạ? Một anh hỏi. Mỗi người một câu khiến không khí càng thêm náo nhiệt. Cụ già mỉm cười thủng thẳng nói: Đông y chỉ dùng thuốc công (mạnh) để trị bệnh. Thuốc bổ không thể "công", thuốc bổ mạnh thì hãm bớt lại. Trong mỗi bài thuốc bổ đều “có đóng, có mở". Cũng theo nguyên tắc đó mà người ta ăn trứng vịt lộn với rau răm.
- Theo cháu biết, rau răm có mùi thơm hắc, ăn với trứng vịt lộn chẳng qua để khử mùi tanh mà thôi. Rau giấp cá, rau mùi khử cũng mùi tanh vậy. Anh  bạn tôi đáp lời.
- Bà cụ chậm rãi nói: Các cô chú còn trẻ, ăn uống vội vã nên không thưởng thức hết mùi vị. Hãy nhai kỹ trứng lộn với vài lá rau răm. Cứ nhai kỹ cho nát nhừ lúc đó không có mùi rau răm nữa mà mùi vị của trứng lộn cũng khác hẳn: một món ăn mới với mùi vị đặc biệt. Chưa hết, rau răm lại có tính tiêu thực làm cho dễ tiêu, chẳng là trứng gà lộn ăn khó tiêu. ăn ít thì tốt nhưng ăn nhiều thì bụng ì ạch. Mỗi lần không ăn quá 3 quả trứng.
- Nhưng cụ ơi, rau mùi, rau húng đều khử mùi tanh và tiêu thực vậy mà không ai dùng với trứng lộn, tại sao vậy ạ? Một anh chen ngang.
- Cứ từ từ, già chưa nói hết mà, rau răm làm dịu tình dục nên các ông sư thường ăn nhiều rau răm.
- Nếu vậy thì rau răm triệt tiêu mất tính bổ thận của trứng lộn rồi còn gì ạ?
- Nó chỉ làm dịu chứ có nói làm hại đâu, một chất mạnh nhất thời nên làm dịu đi để hãm lại, kết quả sẽ lâu bền. Ví như âm dương khác nhau nhưng không triệt tiêu nhau, mà lại hỗ trợ nhau. Trứng lộn với rau răm cũng hỗ trợ nhau. Đây là một phối ngũ lý thú, rất tinh tế và độc đáo. Lão chỉ tiếc là các cháu chưa bị thuyết phục vì như ngọc dương (tinh hoàn dê) bổ thận mạnh, chớ dùng "độc vị" mà phải kết hợp với thuốc cố tinh như hạt sen, củ sen, củ súng. Đây là một ví dụ khác: Huyệt cao hoang ở lưng là một huyệt bổ mạnh, làm cho dương khí bộc phát. Châm bổ cao hoang, bệnh nhân thấy nhức đầu, choáng váng. Để làm dịu tính bộc phát đó, người ta châm tả huyệt túc tam lý. Làm vậy chẳng những bệnh nhân không chóng mặt mà còn khoan khoái dễ chịu, nhưng dù sao thì kết hợp hai huyệt cao hoang và túc tam lý cũng không tinh tế bằng trứng lộn - rau răm.
Vừa lúc đó bà cụ gọi chúng tôi lại bàn ăn. Đúng theo sách Nam dược thần hiệu, trứng gà lộn được luộc với rượu khi đập vỡ không có mùi tanh, phôi trứng hồng mọng, mới có chút lông măng. Trứng ấp vừa đạt nghĩa là lòng đỏ chỉ có chút ít.Mỗi người chỉ được uống một chút rượu, vừa đủ dẫn thuốc, ông cụ hướng dẫn thêm. Mỗi vị thuốc đều được chọn lọc phối ngũ hợp lý, điều hoà khí vị tinh vị. Trước khi chia tay ông cụ nói với chúng tôi một câu lý thú:" ăn là cách dùng thuốc hay nhất".

Đặng Lan Phương(CTQ 64)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""