TINH HOA XANH

Xoa bóp trị đau xương khớp

Đông y cho rằng tất cả các bệnh có đau nhức ở khớp xương, có sưng nóng đỏ hay chỉ tê, nặng tại khớp đều nằm trong phạm trù chứng tý.

Tý có nghĩa là tắc nghẽn không thông. Đông y có nhiều phương pháp điều trị chứng tý, trong đó xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp dễ làm và có hiệu quả cao trong phòng và điều trị chứng bệnh này.

Mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trái gió trở trời kéo theo hàng loạt sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch... Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn, kèm theo xuất hiện các đợt đau xương khớp. Xoa bóp là một biện pháp trị liệu đơn giản và có hiệu quả trong phòng và trị bệnh xương khớp.

Tự xoa bóp điều trị đau vai gáy

- Dùng lòng bàn tay xát lên vùng sau cổ làm cho vùng da có cảm giác ấm, nóng lên.

- Dùng tay bóp nắn các cơ quanh cột sống cổ, vai: Ngón cái một bên, các ngón còn lại một bên bóp nắn nhẹ nhàng quanh vùng cổ vai cho đến khi vùng cổ vai hơi ửng đỏ.

- Tìm điểm đau và day điểm đau: Dùng ngón tay day vào chỗ đau thời gian mỗi điểm đau loại này vùng cổ vai khoảng 1 phút là được. Kiểm tra cơ ở quanh bả vai nếu thấy co cứng thì ta bấm, bật cơ, day nhẹ. Mỗi lần xoa bóp 10-15 phút vùng cổ gáy, có thể tự tay xoa bóp hay nhờ người khác thực hiện.

xoa-bop-tri-dau-xuong-khop-1Bấm huyệt Phong trì  điều trị bệnh xương khớp

- Bấm huyệt Phong trì (ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ); huyệt Đại Chùy (ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại phải trái, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt này nằm ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7); huyệt Kiên Tỉnh (giao điểm của đường thẳng ngang qua đầu ngực với đường ngang nối huyệt Đại Chùy và điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn, ấn vào có cảm giác ê tức).

- Tập vận động khớp cổ ở tư thế ngồi: Quay cổ qua lại, nghiêng cổ qua bên trái - phải, cúi ngửa cổ ra trước- sau, và tổng hợp các động tác cổ vừa thực hiện liên tục, nhẹ nhàng tránh làm mạnh đột ngột sẽ gây đau tăng... Mỗi động tác làm 3-5 lần.

Xoa bóp điều trị đau lưng

- Nguyên tắc là làm nhẹ nhàng, tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp khoảng 20 phút. Thực hiện các thao tác:

    - Xoa vùng lưng cho nóng lên: Phương pháp xoa là dùng vân ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn trên da chỗ đau. Sau đó xát lưng bệnh nhân (dùng cả hai bàn tay xát mạnh vùng lưng, xát cả hai tay ngược chiều nhau, xát ngang, xát dọc). Mỗi động tác xoa xát làm khoảng 2 phút để làm ấm da.

    - Day rồi đấm hai bên thắt lưng 3 lần: Thao tác day như sau, dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón tay cái, hơi dùng sức để ấn xuống da người bệnh và di động theo đường tròn. Lăn: Dùng mô ngón tay út, 4 ngón lăn dọc theo hai khối cơ cạnh cột sống xuống hông trong thời gian 2-3 phút, sau đó lăn tiếp từ hông xuống chân.

    - Dùng cả hai bàn tay, ngón cái và các ngón khác bóp vào cơ lưng, trọng tâm nơi bị co cứng.

    - Tìm điểm ấn đau ở lưng, day từ nhẹ đến mạnh. Thao tác thực hiện như sau: Dùng ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay út và mô ngón tay cái ấn vào một nơi hoặc vào huyệt. Những vùng gân cơ bị co cứng làm động tác bật.

    - Kéo dãn cột sống thắt lưng: Người bệnh hai tay nắm đầu giường. Người thao tác đứng phía dưới chân người bệnh, cầm hai cổ chân người bệnh từ từ kéo dãn xuống trong khoảng 1 phút, sau đó dùng ngón cái gãi gãi vào chỗ đau của người bệnh khoảng 1 phút.

    - Nắm vào đùi bên chân đau của người bệnh nâng lên cao về sau, dùng gốc bàn tay kia day lăn ở điểm ấn đau và quanh chỗ đau khoảng 3 phút.

    - Nắm véo cơ hai bên cột sống thắt lưng, véo huyệt a thị khoảng 2 phút: Người chữa dùng ngón cái và bốn ngón còn lại kẹp giữ vị trí cần tác động đồng thời vê đi vê lại.

    - Day ấn các huyệt thận du, đại trường du, uỷ trung, thừa sơn mỗi huyệt khoảng 1 phút.

    - Phân hợp hai bên thăn lưng 3 lần. Véo cột sống lưng 1-2 lần. Phát huyệt mệnh môn 3 cái.

    - Bệnh nhân nằm ngửa, đùi vuông góc với thân, cẳng chân vuông góc với đùi, giãn lỏng các khớp gối và khớp háng. Thầy thuốc xoay hai chân bệnh nhân theo chiều phải- trái và ngược lại, đổi chiều xoay 5 lần. Sau đó dùng một tay cố định vai bệnh nhân, tay kia đẩy vào hông bệnh nhân (trong tư thế gấp đùi vào bụng) sang phía đối diện với vai bệnh nhân được cố định.

     

     

    TS.BSCKII. Dương Trọng Nghĩa

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""